STAVIAN VP | Hanoi | Facebook
TextBody

Nhiều doanh nghiệp phân bón lãi vượt kế hoạch năm sau 9 tháng

11/11/2022

Trong 9 tháng đầu năm, nhiều doanh nghiệp phân bón đạt mức lãi kỷ lục, vượt kế hoạch cả năm khi giá bán tiếp tục neo cao.

Tổng công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí (Đạm Phú Mỹ - DPM) ghi nhận lợi nhuận sau thuế hơn 4.460 tỷ đồng sau 9 tháng. Mức lãi này gấp gần 3 lần so với cùng kỳ năm ngoái và vượt kế hoạch cả năm gần 30%.

Tương tự, Công ty cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau (Đạm Cà Mau - DCM) báo lãi hơn 3.270 tỷ đồng, gấp gần 4 lần so với cùng kỳ 2021. Đặt kế hoạch lợi nhuận chỉ hơn 510 tỷ đồng, nên sau 9 tháng, công ty này đã vượt kế hoạch cả năm đến 6,4 lần.

Hai "ông lớn" khác trong ngành phân bón và hóa chất nói chung cũng kinh doanh khả quan từ đầu năm đến nay. Tập đoàn Công nghiệp Hóa chất Việt Nam (Vinachem) ước tính lãi hơn 5.400 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm, gấp khoảng 3 lần kế hoạch cả năm. Còn Tập đoàn Hóa chất Đức Giang (DGC) báo lãi 9 tháng gần 4.920 tỷ đồng, vượt kế hoạch năm nay hơn 40%.

Nhóm các công ty có thị phần nhỏ hơn cũng đua nhau báo lãi tăng mạnh. Phân bón Miền Nam có lợi nhuận lũy kế từ đầu năm đến nay đạt gần 52 tỷ đồng, tăng gần 3 lần so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế Phân lân Văn Điền cũng tăng hơn một nửa lên gần 32 tỷ đồng. Supe Lâm Thao lãi hơn 67 tỷ đồng, tăng hơn 15%...

tỷ đồngLợi nhuận sau thuế 9 tháng của một số doanh nghiệp phân bón9 tháng 2022Kế hoạch 20229 tháng 2021Đạm Phú MỹĐạm Cà MauVinachemĐức Giang01k2k3k4k5k6kVnExpressVinachem● Kế hoạch 2022: 1 810

Lợi nhuận của các doanh nghiệp phân bón tăng trưởng kỷ lục phần lớn nhờ vào mức đỉnh trong quý II. Sang quý III, nhiều đơn vị có dấu hiệu chững lại.

Diễn biến giá phân bón trở thành yếu tố chi phối chính đến lợi nhuận ngành này. Từ đầu năm đến nay, giá nhiều mặt hàng có điều chỉnh giảm so với mức đỉnh nhưng vẫn neo ở mức cao. Đạm Cà Mau cho biết giá bán bình quân sản phẩm urê trong quý III đạt gần 13,8 triệu đồng một tấn, tăng gần 33% so với cùng kỳ 2021. Sản phẩm NPK cũng tăng hơn 20% lên hơn 14 triệu đồng một tấn. Nhiều thương hiệu khác có giá bán phân bón tăng gấp rưỡi đến gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái.

Ngoài ra, thị trường xuất khẩu tốt cũng góp phần tích cực cho việc tăng mạnh lợi nhuận của các doanh nghiệp ngành này. Theo Tổng cục Hải quan, lũy kế 9 tháng đầu năm, tổng lượng xuất khẩu phân bón đạt gần 1,39 triệu tấn với kim ngạch 886 triệu USD, tăng 45% về sản lượng và 166% về kim ngạch so với cùng kỳ 2021. Kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này đã vượt kết quả của cả năm 2021 - khoảng 559 triệu USD, từ hồi tháng 6.

Nói về triển vọng ngành hóa chất cuối năm, Chứng khoán BIDV (BSC) cho rằng vẫn khả quan nhờ mặt bằng giá bán duy trì cao so với cùng kỳ năm ngoai, dù tốc độ tăng trưởng đã giảm. Trong đó, giá urê nội địa được kỳ vọng phục hồi trong cuối năm nhờ nhu cầu phân bón cải thiện khi bước vào mùa vụ lớn nhất trong năm và giá gạo tăng kích thích người nông dân sử dụng phân bón. Thêm vào đó, giá urê thế giới có dấu hiệu phục hồi do khủng hoảng khí đốt tại châu Âu và các đợt đấu thầu mới của Ấn Độ kỳ vọng thúc đẩy đà phục hồi giá urê trong nước.

Dự đoán cho cả năm sau, Chứng khoán Bản Việt (VCSC) nhìn nhận giá urê tiếp tục ở mức cao do giá khí đốt và giá than cao, trong khi đây là hai nguyên liệu đầu vào chính. Từ đó, nguồn cung giảm khiến giá loại phân bón này tiếp tục ở mức cao trong thời gian dài. Song đơn vị này vẫn nêu rủi ro giá urê toàn cầu giảm nhanh hơn, cùng với việc giá dầu nhiên liệu và chi phí khí đầu vào trong nước cao hơn dự kiến.

Nguồn VnExpress